Nghệ thuật > Sân khấu biểu diễn
Nổi bật
Vấn đề bảo tồn và phát triển nghệ thuật cải lương từ góc nhìn quá khứ
Cải lương là loại hình nghệ thuật kết tinh từ những tinh hoa của nhiều loại hình nghệ thuật khác, đã phát triển theo thời gian, vượt mọi không gian để trở thành một nền sân khấu ca kịch truyền thống của dân tộc. Mặc dù mang đậm bản sắc dân tộc nhưng cải lương cũng luôn dung nạp những hơi thở mới của thời đại, từ nội dung cho đến hình thức nghệ thuật để đáp ứng yêu cầu của công chúng. Sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại là điều làm nên thành công của nghệ thuật cải lương trong quá khứ. Cải lương hôm nay muốn tồn tại và phát triển được cũng cần phải phát huy được những thành tựu của mình trong quá khứ.
Cái hài trong truyện cười dân gian và trên sân khấu hiện đại
Cái hài truyền thống của người Việt có nội dung và sắc thái phong phú, thường tập trung trong truyện cười dân gian. Nó phản ánh một bức tranh xã hội rộng lớn của cuộc đấu tranh giữa trí tuệ và đạo đức của nhân dân đối với giai cấp thống trị, áp bức phong kiến. Bằng những thủ pháp nghệ thuật độc đáo, nội dung mang tính triết lý sâu sắc, cái hài truyền thống mang lại với tiếng cười nhiều cung bậc cảm xúc, có tác dụng lên án những thói hư tật xấu của những thế lực vương quyền và thần quyền. Cái hài truyền thống cần được xem là cơ sở nền tảng để xây dựng cái hài trên sân khấu hiện đại.
Kế thừa, phát triển chèo truyền thống trong xây dựng cốt truyện "Bài ca giữ nước"
Cốt truyện đóng vai trò then chốt trong văn học tự sự và tác phẩm sân khấu, như một nhà phê bình đã nói: “Không có cốt truyện tức là không có chuyện, thì không có gì mà kể”. Như vậy, giá trị nội tại của cốt truyện nằm ở chỗ khả năng dung chứa hàng loạt sự việc và hành động của con người với quá trình phát triển tâm lý, tính cách trong những mối liên hệ qua lại với nhau ở một khung cảnh hay giai đoạn xã hội nào đó. Qua đó, bức tranh chân thực, đa sắc, đa thanh về cuộc sống được phản ánh, bộc lộ rõ nét và sinh động. Trong tài sản vô giá của văn học nghệ thuật Cách mạng Việt Nam, bộ ba chèo Bài ca giữ nước của cố NSND Tào Mạt luôn có một vị thế trang trọng bởi vẻ đẹp trọn vẹn, sáng ngời của tầm vóc tư tưởng quyện hòa với chất hào hoa, lịch lãm, tính chỉnh thể thống nhất trong nghệ thuật xây dựng cốt truyện.
Công chúng của sân khấu kịch nói thành phố Hồ Chí Minh
Vở diễn và người xem là hai thực thể đánh dấu sự tồn tại của một tác phẩm sân khấu. Có một số vở diễn mang giá trị nghệ thuật sâu sắc nhưng không thu hút đông đảo người xem. Cũng có những vở diễn chất lượng nghệ thuật không cao, nhưng trong thời điểm nào đó vẫn thu hút đông người đến rạp. Dẫu vậy, người xem vẫn là giá trị khách quan, được công nhận đối với mỗi vở diễn. Người xem vừa là đối tượng thưởng thức, hưởng thụ nghệ thuật, vừa là người thẩm định, đánh giá tác phẩm. Bằng thái độ hưởng thụ, người xem có tác động ngược lại với sân khấu. Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ sống còn của sân khấu là thu hút được đông đảo người xem đến với sàn diễn.
Đặc tính linh hoạt và biểu cảm trong nghệ thuật cải lương Nam Bộ
Vào những thập niên đầu của TK XX, cải lương ra đời ở Nam Bộ, giữa lúc công chúng dần quay lưng với sân khấu hát bội truyền thống và lối ca ra bộ cần có một không gian mở để trình diễn. Cải lương ra đời như sự đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của công chúng và nghệ thuật biểu diễn. Theo thời gian, cải lương không chỉ được tiếp nhận ở Nam Bộ, mà còn trở thành loại hình sân khấu độc đáo định hình và phát triển ở các vùng văn hóa khác trong nước. Bài viết nhận diện, phân tích chủ thể văn hóa, đặc tính linh hoạt và biểu cảm trong cấu trúc nghệ thuật của loại hình cải lương Nam Bộ. Môi trường tự nhiên - xã hội góp phần hình thành đặc trưng tính cách của chủ thể văn hóa - người Việt ở Nam Bộ. Tính linh hoạt và biểu cảm là những đặc trưng tiểu biểu trong cấu trúc nghệ thuật cải lương. Tính mở trong cấu trúc nghệ thuật cải lương chính là biểu hiện của tính linh hoạt. Nghệ thuật cải lương thể hiện sự ứng biến và linh hoạt trên các bình diện từ chủ thể sáng tác, biểu diễn, thưởng thức, đến sự vận dụng các phương tiện nghệ thuật trên sân khấu. Chất trữ tình, giàu cảm xúc trong bài bản, làn điệu, diễn xuất của cải lương chính là đặc trưng biểu cảm của loại hình nghệ thuật này.
Vọng cổ nhịp 32 trong một số sinh hoạt văn hóa Nam Bộ
Trong văn hóa nghệ thuật, thanh sắc Nam Bộ, thể điệu vọng cổ nhịp 32 là một thành tố quan trọng, một biểu tượng trong tâm thức văn hóa của người dân Nam Bộ. Bởi nó có những đặc điểm độc đáo hơn so với hàng trăm thể điệu khác trong cùng hệ thống; được phổ biến rộng khắp và phục vụ tích cực với nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng Nam Bộ. Bài viết nhằm giới thiệu những nét độc đáo của vọng cổ nhịp 32 trong một số sinh hoạt văn hóa Nam Bộ.
Đặc điểm nhân vật phản diện trong kịch Lưu Quang Vũ
Lưu Quang Vũ (1948 - 1988) là một nhà hoạt động sân khấu, một cây bút giàu sức chiến đấu, triết lý thời sự mang tầm thời đại. Nếu nói văn là người, thì Lưu Quang Vũ chính là người nghệ sĩ sáng tác nên những vai chính diện trong tác phẩm của mình, đấu tranh đến kiệt sức với cái xấu - cái phản diện đang hoành hành trong thời kỳ xây dựng đất nước sau chiến tranh. Tác phẩm của Lưu Quang Vũ thể hiện tình yêu nước sâu đậm, đấu tranh khoan nhượng với cái phản diện vốn chưa bao giờ có thể loại trừ. Nhớ về Lưu Quang Vũ, người ta nhớ đến một thời vàng son của sân khấu kịch những năm 1980, một thời kỳ lịch sử dân tộc đang trên mặt trận đấu tranh giữa cái cũ và cái mới. Giải quyết những mâu thuẫn xã hội cũ để có một xã hội mới phát triển, tiến bộ hơn sau giải phóng 1975. Nhân vật chính diện được thể hiện một cách rõ ràng. Đồng thời, những nhân vật phản diện cũng được khắc họa độc đáo, sâu sắc.
Kịch nói thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh toàn cầu hóa
Sài Gòn - TP.HCM là vùng đất màu mỡ của nhiều loại hình nghệ thuật, từ đây các loại hình nghệ thuật có một môi trường phát triển thuận lợi với những đột phá mang dấu ấn. Là sản phẩm của quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa toàn cầu, nhưng ngày nay, kịch nói TP.HCM lại gặp nhiều khó khăn cũng bởi yếu tố đã góp phần sản sinh ra nó. Bài viết nêu lên một vài quan điểm lý giải nguyên nhân kịch nói - một loại hình nghệ thuật đậm chất triết lý phương Tây lại được chấp nhận tại vùng đất phương Nam, cũng như những tác động của toàn cầu hóa trong thời buổi hiện nay đối với sự phát triển của kịch nói tại TP.HCM.
Đặc điểm hệ thống cấu trúc của vọng cổ nhịp 32
Vọng cổ nhịp 32 là một thể điệu tiêu biểu và đặc biệt trong dòng âm nhạc truyền thống Nam Bộ, bởi nó có khả năng bao quát rộng trong lĩnh vực ca nhạc và ca kịch dân tộc. Đó là nhờ đặc điểm hệ thống cấu trúc tạo ra những tính chất độc đáo từ những sự hòa kết trong từng thể loại như trong cấu trúc cơ bản, cấu trúc phối hợp, cấu trúc liên hợp… để tạo nên những tác phẩm mới. Bài viết này sẽ giới thiệu đặc điểm hệ thống cấu trúc của thể điệu vọng cổ nhịp 32 như đã nêu trên.
Những hình thái xung đột trong kịch nói đề tài lịch sử
Xung đột trong kịch về đề tài lịch sử tồn tại dưới dạng những cặp đối lập nhị nguyên xoay quanh mối quan hệ giữa người với người; giữa nhân vật, sự kiện lịch sử với hoàn cảnh, thời đại lịch sử. Có thể chỉ ra một số cặp xung đột nhị nguyên trong kịch về đề tài lịch sử: khát vọng cá nhân - hiện thực xã hội (Những người ở lại); thật - giả, thiện - ác, tốt - xấu, chính nghĩa - gian tà (Con nai đen); ta - địch, thuộc địa - thực dân; dân tộc - ngoại xâm (Bắc Sơn, Những người ở lại)… Bài viết tìm hiểu một số xung đột cơ bản nhất trong kịch nói về đề tài lịch sử từ sau 1945.
Sự chuyển mình của xiếc Việt
Xiếc là một loại hình nghệ thuật tổng hợp với những động tác kỹ xảo điêu luyện của cả người và thú. Ra đời và xuất hiện ở Việt Nam từ khá sớm, nghệ thuật xiếc cho đến nay đã tồn tại và phát triển qua nhiều giai đoạn với nhiều biến đổi. Trước xu thế phát triển, đổi mới các loại hình nghệ thuật, xiếc Việt ngày một đa dạng, phong phú, kỹ thuật, kỹ xảo biểu diễn được cải tiến, với sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến đã đưa xiếc Việt hội nhập chung vào dòng chảy xiếc thế giới nhưng vẫn luôn giữ được những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc. Đặc biệt, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, xiếc Việt không ngừng đổi mới, ngày càng đáp ứng được thị hiếu của đông đảo công chúng trong và ngoài nước.