Top 10 Cổng Game Bắn Cá Trực Tuyến - Ca Xèng

Chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện hiện nay - Những vấn đề đặt ra

ca xèng

Công tác số hóa tài liệu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam-Ảnh: Công ty Cổ phần IDT Việt Nam

 

1. Mở đầu

Chuyển đổi số đã trở thành khái niệm phổ biến trong các ngành, lĩnh vực và lĩnh vực thư viện cũng không phải ngoại lệ. Trong bối cảnh hiện nay, khi công nghệ thông tin phát triển, tài nguyên thông tin gia tăng nhanh chóng, đa dạng và yêu cầu của người sử dụng có nhiều thay đổi đã tác động đến cách thức triển khai hoạt động của các thư viện. Chuyển đổi số trở thành động lực lớn nhất tạo ra sự phát triển đột phá trong hoạt động của thư viện. Cũng giống như các ngành, lĩnh vực khác, chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện hiện nay đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu.

Theo Cẩm nang Chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông: Chuyển đổi số là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi tổng thể và toàn diện cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất của cá nhân, tổ chức (1).

Nói theo cách khác, chuyển đổi số chính là quá trình chuyển từ mô hình truyền thống, cách làm cũ mang nặng tính thủ công sang mô hình số bằng cách tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm chuyên ngành thông minh và ứng dụng các công nghệ mới như: dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence); Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud computing), chuỗi khối (Blockchain) (2)… để thay đổi mô hình tổ chức, quản lý và phương thức hoạt động, thay đổi văn hóa làm việc của tổ chức.

Quá trình chuyển đổi số được xây dựng và thực hiện đúng lộ trình sẽ đảm bảo xây nền móng số hóa vững chắc tiến tới bứt phá trong hoạt động của thư viện. Quá trình này của một thư viện bao gồm 3 giai đoạn chính: từ chuyển đổi dữ liệu, xây dựng dữ liệu số, đến tổ chức, xử lý, khai thác dữ liệu và cuối cùng là chuyển đổi mô hình hoạt động, tận dụng lợi thế của công nghệ làm nền tảng quản lý, tổ chức các dịch vụ tại chỗ và dịch vụ trực tuyến.

Đối với hoạt động thư viện, giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số đã bắt đầu từ khá sớm: quá trình ứng dụng công nghệ thông tin có từ giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, việc chuyển đổi dữ liệu, xây dựng dữ liệu số đã thực hiện từ đầu những năm 2000. Nhưng lĩnh vực thư viện đang có xu hướng thụt lùi so với các ngành, lĩnh vực khác được quan tâm, đầu tư mạnh mẽ hơn. Vậy, đâu là những vấn đề đặt ra cần được giải quyết, khắc phục,

2. Thực trạng chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện hiện nay

Chính sách về chuyển đổi số lĩnh vực thư viện

Chuyển đổi số, phát triển thư viện số, kết nối, liên thông thư viện Việt Nam hiện nay là nhiệm vụ quan trọng của các thư viện đã được đề cập trong các văn bản pháp lý, cụ thể:

Luật Thư viện 2019, nhiệm vụ này được yêu cầu mạnh mẽ, quy định riêng các nội dung lớn tại Điều 29 (3). Liên thông thư viện và Điều 31 Phát triển thư viện số; Mục 6, từ Điều 24 đến Điều 30 tại Nghị định số 93/2020/NĐ-CP Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện với nội dung, phương thức, cơ chế, nguyên tắc chi tiết để thực hiện (4).

Để cụ thể hóa các nội dung liên quan đã được quy định trong Luật Thư viện 2019 và Nghị định số 93/2020/NĐ-CP Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện, ngày 11-2-2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 206/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (5), với mục tiêu: ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập. Chương trình đã đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số gồm: Nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền; Hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật; Hoàn thiện và phát triển hạ tầng số của ngành thư viện; Phát triển dữ liệu số ngành Thư viện; Xây dựng và phát triển nền tảng số; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng; Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ký Quyết định số 2175/QĐ-BVHTTDL ngày 23-7-2021 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Bộ VHTTDL (6), với 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, xác định các nhiệm vụ trọng tâm triển khai Chương trình trong từng giai đoạn cụ thể:

Giai đoạn 2021-2025: Hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số ngành Thư viện, thực hiện các nhiệm vụ triển khai phục vụ chuyển đổi số và quản lý ngành Thư viện về chuyển đổi số; Triển khai các hoạt động truyền thông về chuyển đổi số và kết nối liên thông thư viện; Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thư viện (tập trung vào quy trình hoạt động thư viện, chuyên môn nghiệp vụ thư viện, liên thông thư viện, số hóa tài liệu thư viện); Tổ chức hội thảo, tập huấn bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao trình độ cho đội ngũ người làm công tác thư viện về quản lý thư viện hiện đại, chuyển đổi số trong thư viện; Học tập kinh nghiệm các quốc gia phát triển mạnh về chuyển đổi số thư viện…

Giai đoạn 2026-2030: Tiếp tục triển khai, đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, dữ liệu số ngành Thư viện ở giai đoạn 2021-2025; Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình, chuẩn bị thực hiện liên thông ở mọi loại hình thư viện, cung ứng hiệu quả dịch vụ cho người sử dụng thư viện phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.

Các chủ trương, chính sách, văn bản chỉ đạo, định hướng phát triển ngành Thư viện của Quốc hội, Chính phủ, Bộ VHTTDL với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể tiếp tục đưa ngành Thư viện Việt Nam có những bước phát triển mới, đáp ứng công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Kết quả bước đầu đạt được

Chuyển đổi số trong thư viện ở Việt Nam là nhiệm vụ cấp thiết, yêu cầu bắt buộc để cải thiện quy trình làm việc của thư viện, mang lại nhiều dịch vụ tiện ích cho người sử dụng trong việc tìm kiếm và khai thác tài nguyên thông tin. Trong những năm qua, các thư viện triển khai thực hiện chuyển đổi số ở từng thời điểm, giai đoạn rất khác nhau. Có thư viện đã thực hiện, có nơi đang khởi động, hoặc có những đơn vị mới bước đầu tìm tòi, nghiên cứu lĩnh vực chuyển đổi số.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11-2-2021 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hệ thống các thư viện trong cả nước đã triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tích cực thực hiện lộ trình chuyển đổi số với nhiều giải pháp cụ thể và bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực.

Việc chuyển đổi dữ liệu, xây dựng dữ liệu số được các thư viện quan tâm thực hiện. Nhiều thư viện đã phát triển được nguồn dữ liệu số tương đối lớn (theo số liệu năm 2022 của các thư viện):

Thư viện Quốc gia Việt Nam đã xây dựng được cơ sở dữ liệu thư mục lớn khoảng 1 triệu biểu ghi. Dữ liệu số toàn văn được phát triển với các hình thức phối hợp như: tự số hóa, thu nhận lưu chiểu, bổ sung nguồn ngoại văn, trao đổi hợp tác, liên kết… Đến nay, Thư viện đã có được một lượng tài nguyên thông tin dạng số khoảng hơn 180.000 tên sách, số báo, tương đương khoảng trên 10 triệu trang tài nguyên số đưa vào phục vụ, thông qua khai thác trực tuyến và truy cập trong mạng nội bộ (LAN), phổ biến rộng rãi nguồn tri thức của dân tộc.

Thư viện công cộng cấp tỉnh: các thư viện tập trung phát triển dữ liệu số toàn văn tài liệu cổ quý, số hóa tài liệu địa chí địa phương là các bài trích báo, tạp chí, các tài liệu do cơ quan Nhà nước đặt hàng thực hiện, tác phẩm của các tác giả địa phương và tác phẩm của các tác giả viết về địa phương. Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM phát triển được 6.082.144 trang tài nguyên thông tin số, khoảng 103.943 tên sách, số báo…

Thư viện đại học: các trường hiện nay đã và đang xây dựng tài nguyên thông tin số từ các nguồn học liệu số, học liệu mở, số hóa các tài liệu nội sinh là đề tài nghiên cứu, luận văn, luận án, đề án, báo cáo khoa học, kỷ yếu hội nghị, hội thảo… Trung tâm Thư viện và Tri thức số - Trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng được nguồn tài nguyên thông tin số phong phú với 151.380 học liệu số, 33.433 luận án, luận văn 48.212 học liệu số khác là các khóa luận, kỷ yếu, 53.000 sách điện tử…

Thư viện chuyên ngành, lực lượng vũ trang: các thư viện ưu tiên số hóa tài liệu cổ, quý hiếm, tài liệu về quân sự, an ninh, hay các đề tài liên quan đến cách mạng… để phát triển dữ liệu số. Thư viện Quân đội đã xây dựng được 1 cơ sở dữ liệu toàn văn với 16.442 tài liệu điện tử, có kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu dữ kiện về quân sự như dữ kiện các đơn vị quân đội, các trận đánh, các tướng lĩnh, các tác phẩm văn học viết về đề tài lực lượng vũ trang… 

Trong công tác hợp tác, liên kết, chia sẻ tài nguyên, bước đầu ra đời các hệ thống dùng chung nguồn tài nguyên thông tin, tiêu biểu như:

Hệ thống quản trị thư viện dùng chung VietBiblio dành cho các thư viện có quy mô nhỏ như thư viện cấp huyện, xã và thư viện trường học. Hệ thống này cũng tổ chức mục lục liên hợp để tìm kiếm tập trung (7).

Trung tâm tri thức số do Trung tâm Thư viện - Tri thức số, Đại học Quốc gia Hà Nội giữ vai trò trung tâm kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin với các Thư viện số của các trường đại học, học viện toàn quốc. Hệ thống này kết nối và tích hợp dữ liệu thư mục của 14 thư viện số độc lập thành một hệ thống thống nhất, liên thông dữ liệu thông qua hệ thống tìm kiếm tập trung (8).

Hệ thống Thư viện Đại học Quốc gia TP.HCM là hệ thống liên kết các thư viện của các đơn vị thành viên trong Đại học Quốc gia TP.HCM, liên kết, chia sẻ dữ liệu thư mục, dữ liệu số cho các thư viện thành viên của hệ thống (9).

Hệ thống Thư viện trung tâm - chi nhánh của Viện Thông tin Khoa học Xã hội bao gồm thư viện trung tâm và 32 viện thành viên thuộc ba miền đất nước. Các đơn vị trong hệ thống chia sẻ và dùng chung dữ liệu biểu ghi thư mục (10).

Ngoài ra, gần đây đã có một số biên bản về hợp tác, chia sẻ, liên thông thư viện giữa các trường đại học, cao đẳng như: Hợp tác chia sẻ, liên thông giữa Thư viện Tạ Quang Bửu (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), Thư viện Công an nhân dân, Trung tâm số Đại học Thái Nguyên, Trường Cao đẳng An ninh nhân dân I, Trường cao đẳng Cảnh sát nhân dân I, Liên chi hội Thư viện Đại học khu vực phía Bắc…. (11); Hợp tác liên kết thư viện và chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin giữa Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, Trường Cao đẳng Công Thương TP.HCM và Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương (12).

Như vậy, đã có những thư viện tiên phong thực hiện có hiệu quả công tác, liên thông, đây sẽ là động lực lớn cho các thư viện khác.

Bên cạnh kết quả về chuyển đổi dữ liệu, xây dựng dữ liệu số; hợp tác, liên kết, chia sẻ tài nguyên, các hệ thống thư viện đã chủ động lập kế hoạch đưa một số nội dung quan trọng cần thực hiện, là cơ sở đảm bảo cho chuyển đổi số thành công. Theo số liệu khảo sát năm 2021 (13) về kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2021-2025, cho thấy kết quả như sau:

Về kế hoạch đầu tư, phát triển công nghệ thông tin:

Thư viện công cộng cấp tỉnh: 50/57 thư viện có kế hoạch đầu tư mới hoặc nâng cấp thiết bị số hóa để phục vụ cho việc xây dựng bộ sưu tập số; 53/57 thư viện có kế hoạch mua phần mềm mới hoặc nâng cấp phần mềm đang sử dụng để quản trị thư viện điện tử, thư viện số.

Thư viện đại học: 64/79 thư viện có kế hoạch đầu tư mới hoặc nâng cấp thiết bị số hóa để phục vụ cho việc xây dựng bộ sưu tập số; 63/79 thư viện đang có kế hoạch mua phần mềm mới hoặc nâng cấp phần mềm đang sử dụng để quản trị thư viện điện tử; 65/79 thư viện đang có kế hoạch mua phần mềm mới hoặc nâng cấp phần mềm đang sử dụng để quản trị thư viện số.

Thư viện chuyên ngành, đa ngành: 8/15 thư viện có kế hoạch đầu tư mới hoặc nâng cấp thiết bị số hóa; 10/15 thư viện có kế hoạch đầu tư mới hoặc nâng cấp phần mềm quản trị thư viện điện tử; 9/15 đơn vị có kế hoạch đầu tư mới hoặc nâng cấp thư viện số.

Thư viện quân đội, công an: 2/3 thư viện có kế hoạch đầu tư mới hoặc nâng cấp thiết bị số hóa; 3/3 thư viện hiện đều đang có kế hoạch đầu tư mới hoặc nâng cấp phần mềm quản trị thư viện điện tử; 3/3 thư viện hiện đều đang có kế hoạch đầu tư mới hoặc nâng cấp phần mềm quản trị thư viện số.

Kế hoạch số hóa tài nguyên thông tin: Thư viện công cộng: 52/57 thư viện có kế hoạch tự số hóa tài nguyên thông tin; Thư viện đại học (72/79 thư viện); Thư viện chuyên ngành, đa ngành (13/15 thư viện); Thư viện quân đội, công an (2/3 thư viện).

Kế hoạch kết nối, liên thông đến các thư viện trong nước và nước ngoài: Thư viện công cộng cấp tỉnh: 42/57 thư viện có nhu cầu kết nối, liên thông với các thư viện trong và ngoài nước; Thư viện đại học (66/79 thư viện); Thư viện chuyên ngành, đa ngành (8/15 thư viện); Thư viện lực lượng vũ trang: các thư viện thuộc khối Quân đội và Công an có kế hoạch kết nối, liên thông với các thư viện thuộc Bộ chủ quản do tính chất đặc thù, quy định riêng của ngành.

3. Một số vấn đề đặt ra

Thứ nhất, thách thức về hạ tầng công nghệ

Để thực hiện chuyển đổi số thành công, các thư viện sẽ phải sử dụng nhiều thiết bị, công cụ và các phần mềm. Việc bổ sung, thay thế các hệ thống cũ, nhường chỗ cho những giải pháp công nghệ mới đang là yêu cầu đặt ra.

Thực tế hiện nay, hệ thống thiết bị phục vụ việc số hóa tài liệu, xây dựng dữ liệu số tại các thư viện còn thiếu, số lượng rất ít, chỉ từ 1-3 máy, cá biệt có thư viện còn chưa có thiết bị số hóa để sử dụng. Phần lớn các thư viện được trang bị chủ yếu là các máy scanner dạng phẳng (flatbed), máy scanner văn phòng có tuổi thọ và công suất scan thấp. Các loại máy robot scanner, máy scanner chuyên dụng, hiện đại có tốc độ số hóa nhanh chỉ có một số thư viện lớn được trang bị như: Thư viện Quốc gia Việt Nam, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Trung tâm Thư viện và Tri thức số - Đại học Quốc gia Hà Nội, Thư viện KHTH TP.HCM, Thư viện KHTH TP. Đà Nẵng, Thư viện Quân đội, Thư viện Học viện Kỹ thuật Quân sự... Tuy nhiên, với số lượng máy ít ỏi đang là thách thức lớn cho quá trình tạo lập nguồn tài nguyên thông tin số tại các thư viện.

Thư viện sử dụng hệ thống các phần mềm chuyên ngành như: phần mềm quản trị thư viện điện tử tích hợp, phần mềm quản trị thư viện số, phần mềm tìm kiếm tập trung đạt chuẩn quốc tế sẽ là giải pháp quan trọng để quản lý và triển khai các dịch vụ cung cấp nguồn tài nguyên thông tin trên môi trường số. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là thư viện trong cả nước dùng rất nhiều loại phần mềm khác nhau; ngoại trừ một số thư viện thư viện đại học, thư viện chuyên ngành, đa ngành sử dụng các phần mềm Aleph, Sierra, Virtual, Millenniun, Koha, Dspace, ContentDM Greenstone…, còn phần lớn thư viện sử dụng các phần mềm quản trị thư viện điện tử, thư viện số không đạt chuẩn quốc tế, đặc biệt là các chuẩn trao đổi dữ liệu như Z39.50, OAI-PMH, XML…, nhiều nơi giải pháp công nghệ được trang bị đã trên 20 năm làm ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tích hợp, liên thông, chia sẻ tài nguyên thông tin dùng chung cho các loại hình thư viện.

Vì vậy, một giải pháp công nghệ mới để giải quyết tất cả khó khăn là một trong những thách thức của chuyển đổi số mà các thư viện cần phải vượt qua.

Thứ hai, khó khăn về chuyển đổi dữ liệu, xây dựng tài nguyên thông tin dạng số

Dữ liệu số hóa chính là một trong những thành phần quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi số. Chính bởi tầm quan trọng đó, các thư viện đã chủ động tạo lập và phát triển nguồn tài nguyên thông tin số. Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai xây dựng nguồn tài nguyên dạng số thông qua số hóa tài liệu thư viện có số lượng tài liệu còn khiêm tốn do nhiều nguyên nhân như: vấn đề bản quyền, thiết bị số hóa, nhân lực, ngân sách... Một ví dụ điển hình như Thư viện Quốc gia Việt Nam là đơn vị xây dựng được nguồn tài nguyên thông tin số lớn nhất trong cả nước, tuy nhiên theo số liệu thống kê đến tháng 10-2022, Thư viện mới chỉ thực hiện số hóa được khoảng 3% tổng số tên sách và 11,1% tổng số báo, tạp chí hiện có.

Thứ ba, hạn chế về kinh phí đầu tư cho quá trình chuyển đổi số

Đầu tư cho chuyển đổi số là đầu tư để chuyển đổi toàn diện cách vận hành, đặc biệt về kết cấu hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật số, phát triển dữ liệu số, do đó đòi hỏi các khoản đầu tư lớn. Hạn chế về tài chính hiện nay, cùng với sự kiểm soát chặt chẽ trong quá trình đầu tư, nhiều thủ tục khiến các hoạt động chuyển đổi kỹ thuật số bị lùi lại, làm chậm quá trình xây dựng, triển khai kế hoạch vận hành chuyển đổi số tại các thư viện. Một số thư viện lớn trong hệ thống thư viện công cộng, thư viện chuyên ngành, đa ngành, thư viện đại học đã thực hiện nội dung chuyển đổi số thư viện bằng nguồn kinh phí các dự án đơn lẻ. Tuy nhiên, nguồn này không được bổ sung thường xuyên, không mang tính bền vững, trở thành hoạt động đầu tư nhỏ giọt, chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư tổng thể, đồng bộ.

Thứ tư, nguồn nhân lực cũng là một thách thức để chuyển đổi số lĩnh vực thư viện

Hiện nay, nhân lực thư viện nói chung và nhân lực công nghệ thông tin có chất lượng còn thiếu và yếu, do lĩnh vực thư viện phải đối mặt với sự cạnh tranh về nguồn nhân lực có trình độ công nghệ cao với những lĩnh vực khác, nơi có cơ hội phát triển cá nhân và thu nhập cao hơn. Phần lớn nhân lực làm công nghệ tại các thư viện được đào tạo từ ngành khác, do đó chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin chưa thực sự đảm bảo. Trong khi đó, để thích ứng với các kỹ năng từ cơ bản đến nâng cao của quá trình chuyển đổi số đòi hỏi số lượng lớn nhân lực có hiểu biết về công nghệ thông tin.

Thứ năm, trở ngại về nhận thức

Công nghệ là yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số, tuy nhiên nó chưa phải là yếu tố quan trọng nhất. Nhận thức mới là yếu tố cốt lõi nhất trong quá trình chuyển đổi số, nếu nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số chưa đầy đủ dẫn đến việc triển khai thực hiện không hiệu quả. Thực tiễn vẫn còn một số cấp lãnh đạo, quản lý chưa coi trọng thực hiện chuyển đổi số trong thư viện, còn tồn tại quan điểm “chưa phải vấn đề cấp thiết”, “không phải lĩnh vực thiết yếu”; hay còn tâm lý e ngại triển khai, ngại thay đổi của một bộ phận nhân sự, người lao động là những trở ngại cản trở thành công của quá trình chuyển đổi số thư viện.

4. Giải pháp để chuyển đổi số thành công trong lĩnh vực thư viện

Chuyển đổi nhận thức (nhận thức số)

Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số, muốn chuyển đổi số trước hết phải chuyển đổi nhận thức. Tham gia vào quá trình chuyển đổi số, các cấp lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động và thư viện cần thấy rõ, nhận thức rõ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số trước khi có hành động cụ thể để thực hiện.

Thay đổi nhận thức cần được thực hiện ở toàn bộ các cấp, từ lãnh đạo, quản lý đến viên chức, người lao động, vì chỉ khi nhận thức đúng sẽ có các biện pháp hành động phù hợp.

Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng số 

Tập trung phát triển hạ tầng công nghệ, nền tảng số là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, là giải pháp đột phá thúc đẩy sự phát triển thư viện số, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng số bao gồm hệ thống trang thiết bị các phần mềm thư viện điện tử, thư viện số và các công cụ hỗ trợ để khai thác các nguồn tài nguyên thông tin của thư viện. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để triển khai các hoạt động thư viện và dịch vụ thư viện trên môi trường số. Các nền tảng này nhất thiết phải đạt yêu cầu về các chuẩn nghiệp vụ, đồng thời hỗ trợ các cơ chế tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các thư viện, các tổ chức có nhu cầu kết nối, sử dụng.

Đẩy mạnh xây dựng, phát triển dữ liệu số 

Yếu tố quan trọng đầu tiên của bất kỳ quá trình chuyển đổi số nào chính là dữ liệu số. Nếu không có dữ liệu số, sẽ không thể xác định mô hình hoạt động số và tiến hành chuyển đổi số. Để chuyển đổi số hiệu quả và phát triển đồng bộ với các ngành, lĩnh vực khác, thư viện cần đẩy mạnh xây dựng, phát triển dữ liệu số, nguồn tài nguyên thông tin dạng số. Trong thời gian tới, nguồn thông tin dạng số cần được ưu tiên thực hiện trước; chủ động phát triển nguồn tài nguyên nằm ngoài phạm vi bảo hộ bản quyền, tài liệu nội sinh, tài liệu mở; thực hiện các cơ chế chia sẻ, kết nối, liên thông, dùng chung dữ liệu với các thư viện khác, đặc biệt là các thư viện cùng lĩnh vực, các thư viện đầu ngành, các thư viện lớn; tham gia các liên hiệp thư viện bổ sung, dùng chung tài nguyên.

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số thư viện. Giải pháp cơ bản nhất chính là tăng cường tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người làm thư viện trang bị những kiến thức, hiểu biết về dữ liệu, công nghệ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng số, kỹ năng tổ chức dữ liệu và triển khai dịch vụ số… (14); kỹ năng quản lý thư viện hoạt động trong môi trường công nghệ hiện đại; cập nhật các thay đổi về chính sách như: Luật Công nghệ thông tin; Luật Sở hữu trí tuệ, Luật An ninh mạng; Luật An toàn thông tin mạng; Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Giáo dục, Luật Viên chức… và các văn bản pháp quy ngành, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động.

Đầu tư cho chuyển đổi số

Để đẩy mạnh chất lượng chuyển đổi số lĩnh vực thư viện, Nhà nước cần đầu tư mạnh hơn nữa về chuyển đổi số, xây dựng thư viện số; Có chính sách đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ, nội dung số hóa cho các thư viện, đặc biệt là các thư viện được quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 1, Mục I của Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11-2-2021, đảm bảo cho việc triển khai chuyển đổi số hoạt động thư viện hiệu quả và bền vững. Các thư viện Việt Nam cũng cần xác định hướng đầu tư tập trung, hiệu quả, không dàn trải sao cho đem lại hiệu quả cao nhất với nguồn kinh phí thấp nhất có thể.

Ngoài những giải pháp cơ bản nêu trên, để công cuộc chuyển đổi số ở các thư viện thành công còn phụ thuộc vào các yếu tố: hoàn thiện cơ sở pháp lý; đảm bảo an toàn và an ninh thông tin; xây dựng, hình thành văn hóa số…

Kết luận

Chuyển đổi số được coi là động lực mới cho hoạt động thư viện, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức rất lớn đòi hỏi các thư viện nhận diện, sớm loại bỏ những khó khăn, tận dụng các cơ hội, ưu điểm nổi bật của công nghệ trong chuyển đổi số để thay đổi quy trình công tác, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, tăng cường truy cập, khai thác các nguồn tài nguyên tri thức của công chúng, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động thư viện.

______________________

1, 14. Chuyển đổi số là gì?, dx.mic.gov.vn, 22-4-2023.

2. Nguyễn Thị Thu Vân, Chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục đại học, quanlynhanuoc.vn, 2-11-2021.

3. Luật Thư viện năm 2019 số 46/2019/QH14 ban hành ngày 21-11-2019.

4. Nghị định số 93/2020/NĐ-CP Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện, ban hành ngày 18-8-2020.

5. Quyết định số 206/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ban hành ngày 11-2-2021.

6. Chuyển đổi số là gì? Tầm quan trọng của Chuyển đổi số hiện nay, issi.vn.

7. vietbiblio.vuc.vn.

8. digitalknowledgehub.vnu.edu.vn.

9. Giới thiệu Hệ thống Thư viện Đại học Quốc gia TP.HCM, vnulib.edu.vn.

10. Hệ thống Thư viện trung tâm - chi nhánh của Viện Thông tin Khoa học Xã hội, opac.vass.gov.vn.

11. Phạm Thị Thu Hà, Bách khoa Hà Nội đẩy mạnh hợp tác chia sẻ thông tin, liên thông thư viện, hust.edu.vn, 5-4-2022.

12. Tiến Vượng, TPHCM: 3 trường ký hợp tác liên thư viện và chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin, giaoducthoidai.vn, 10-11-2021.

13. Thư viện Quốc gia Việt Nam, Báo cáo tổng hợp kết quả điều tra tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong các thư viện Việt Nam, Hà Nội, 2021.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Kiều Thúy Nga, Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công cộng, Tạp chí Thư viện Việt Nam, 2017, số 1, tr.4-11.

2. Kiều Thúy Nga, Lê Đức Thắng, Những thách thức về quản lý và phát triển Thư viện Việt Nam trong kỷ nguyên CMCN 4.0, Kỷ yếu Hội thảo Phát triển thư viện điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ VHTTDL Hà Nội, 2018, tr.67-80.

3. Kiều Thúy Nga, Lê Đức Thắng, Trí tuệ nhân tạo và tiềm năng ứng dụng trong hoạt động thư viện, Kỷ yếu Hội thảo Thư viện thông minh 4.0: Công nghệ - dữ liệu - con người, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.353-363.

 

 

Ths. KIỀU THÚY NGA

CVCC, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL

------------------------

Tham luận tại Hội thảo “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 – những vấn đề đặt ra từ thực tiễn” do ca xèng tổ chức (9/2023)

 

;