Top 10 Cổng Game Bắn Cá Trực Tuyến - Ca Xèng

Nghệ thuật công cộng ở Việt Nam: Diễn biến khái niệm nhìn từ các dạng thức thực hành

Trong đời sống thường ngày, nghệ thuật công cộng (NTCC) xuất hiện ở khắp mọi nơi, tham gia vào nhiều lĩnh vực của đời sống văn hóa xã hội với những mục đích và chức năng khác nhau. Với quan điểm rộng mở, có thể hiểu NTCC là các dạng thức nghệ thuật (mỹ thuật, âm nhạc, nghệ thuật trình diễn...) xuất hiện ở không gian công cộng, song, dần theo thời gian, NTCC lại trở thành tên gọi riêng biệt cho một dạng thức của nghệ thuật tạo hình. Những biểu hiện của NTCC khá đa dạng và biến đổi theo thời gian, từ đó dẫn đến những cách hiểu khác nhau. Qua thực tế nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy, NTCC không phải là một khái niệm bất biến, ngữ nghĩa của khái niệm này diễn biến theo thời gian và chịu sự chi phối từ các dạng thức thực hành luôn thay đổi.

ca xèng

Không gian Bích họa phố Phùng Hưng - Nguồn: hanoicreativecity.com

1. Khái niệm NTCC, nguồn gốc và ngữ nghĩa

NTCC là một thuật ngữ quen thuộc trong giới học thuật nhưng ít khi được hiểu thống nhất về mặt ngữ nghĩa hoặc được hiểu đầy đủ các lĩnh vực bao hàm rộng lớn của nó. Đôi khi chúng ta tham gia vào một công trình/ sản phẩm NTCC nhưng chúng ta hoàn toàn không ý thức về nó như là một công trình/ sản phẩm NTCC.

Trong các cuốn từ điển bằng tiếng Việt, thuật ngữ NTCC không được giải nghĩa. Ngay cả cuốn Từ điển Thuật ngữ mỹ thuật phổ thông do tác giả Đặng Bích Ngân chủ biên, xuất bản năm 2002, ở các mục từ liên quan đến nghệ thuật, có nghệ thuật Đại chúng, nghệ thuật Mới, nghệ thuật Hồn nhiên, nghệ thuật Ba-rốc-cơ... nhưng không có mục từ NTCC. Vậy NTCC là gì và xuất hiện từ bao giờ là vấn đề cần quan tâm.

Xét về mặt nguồn gốc, NTCC là cụm từ được chuyển ngữ trực tiếp từ tiếng Anh: Public art. Public art là từ được tạo thành do ghép 2 nguyên từ đơn: Public ở dạng tính từ có nghĩa là chung, công, công cộng, công khai, còn ở dạng danh từ là quần chúng, công chúng; Art là nghệ thuật. Khi chuyển ngữ sang tiếng Việt, Public art được dịch là NTCC.

Trong nhiều bài viết nghiên cứu về NTCC của nước ngoài mà chúng tôi tham khảo, những công trình kiến trúc, điêu khắc tôn giáo cổ đại như đền thờ Parthenon nổi tiếng ở Athens, Hy Lạp, các tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch như tượng Pieta (Đức mẹ sầu bi), tượng người anh hùng David của Michelangelo, tượng đồng David của Donatelo đặt tại các tòa nhà và những quảng trường lớn ở Florence của Ý... được xem là những sáng tạo NTCC ở buổi ban đầu. Tính chất công cộng của các công trình này được xác định ở nhiều khía cạnh, đó là những công trình đặt trong không gian công cộng, dành cho sinh hoạt chung của cộng đồng, đó cũng là những công trình nhận được sự bảo trợ tài chính của nhà thờ và chính quyền dân sự nhằm mục đích truyền cảm hứng và tôn vinh niềm tin tôn giáo trong cộng đồng. Mặc dù các công trình kiến trúc, điêu khắc kể trên được nhìn nhận là những dạng thức NTCC, song thuật ngữ NTCC chưa xuất hiện đồng thời ở vào giai đoạn đó.

Theo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Lan Hương, từ public xuất hiện sớm nhất trong ngôn ngữ của Anh, Pháp vào khoảng giữa TK XVII và ở Đức vào TK XVIII. Từ public trở nên phổ biến trên thế giới khi các quốc gia đã xác lập nền dân chủ, tức là đã có sự thừa nhận tất cả mọi thành viên xã hội với tư cách công dân, có quyền tiếp cận quyền lực một cách bình đẳng và được hưởng các quyền tự do được công nhận một cách rộng rãi (1).

Mặc dù xuất hiện đầu tiên ở châu Âu nhưng Public art thực sự phát triển rất mạnh ở Mỹ.

Khoảng đầu TK XX, thế giới diễn ra khủng hoảng/ đại suy thoái kinh tế và những cuộc chiến tranh trên diện rộng. Những khủng hoảng về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, việc làm, chứng khoán, thiên tai... các cuộc chiến tranh thế giới thứ Nhất và thứ Hai đã phá hủy rất nhiều di sản, các công trình nghệ thuật, các không gian sống. Điều đó dẫn đến công cuộc tái thiết đô thị khi chiến tranh qua đi.

Tuy vậy, công cuộc tái thiết đô thị gặp khó khăn khi mà những tranh chấp trong việc sử dụng không gian công và những lợi ích công cộng diễn ra giữa nhiều nhóm cộng đồng khác nhau trong xã hội. Điển hình như tôn giáo lúc này không còn là sức mạnh quyền lực duy nhất thống trị xã hội nên những không gian tưởng niệm, tôn vinh các nhân vật tôn giáo đã từng rất phổ biến trong quá khứ, không còn là chủ đề bao phủ tất cả mọi không gian công cộng.

Phong trào dân quyền về không gian công cộng nổi lên, đặc biệt là ở Mỹ. Các chính sách xã hội của Chính phủ Mỹ từ những năm 1930 thể hiện rõ sự quan tâm lớn tới tầng lớp quần chúng nhân dân (chương trình New Deal của Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt giải quyết các vấn đề kinh tế, trong đó có quan tâm tới mức lương và giờ lao động của công nhân, nông dân, an sinh xã hội). Trong bối cảnh đó, các chương trình nghệ thuật mới đặt ra nguyên tắc nghệ thuật phải thuộc sở hữu của công chúng. Các chương trình nghệ thuật làm thay đổi mối quan hệ, trách nhiệm của nghệ sĩ đối với xã hội bằng cách đưa nghệ thuật tiếp cận với tất cả mọi người, thay vì coi nghệ thuật là một đặc quyền của một nhóm người thuộc một giai tầng nào đó trong xã hội và loại trừ cơ hội tiếp xúc nghệ thuật của người dân. Như vậy, sự xuất hiện của nghệ thuật vào không gian công cộng hướng tới lợi ích của rộng rãi quần chúng nhân dân, giải quyết các vấn đề công cộng, thực hành nghệ thuật có sự tham gia của cộng đồng, các dự án được tài trợ bởi cộng đồng hoặc các quỹ tài trợ... là những dấu hiệu đặt nền tảng cho sự ra đời của thuật ngữ Public art.

Theo tài liệu What is public art? thuật ngữ NTCC tương đối mới, nó được đặt ra vào cuối những năm 1960 ở Mỹ và Anh. Phần chú giải của tài liệu này có đưa ra cách giải thích về NTCC: Tác phẩm nghệ thuật nằm bên ngoài bảo tàng hoặc phòng trưng bày, thường được đặt trong một không gian công cộng và được hỗ trợ bởi nguồn tài trợ công cộng.

Giai đoạn những năm 1970, 1980 của TK XX, ở một số thành phố lớn trên thế giới như Chicago của Mỹ, do sự thay đổi về bối cảnh lịch sử, xã hội, kinh tế đã làm xuất hiện những tư tưởng nghệ thuật mới. Hàng loạt các trào lưu, xu hướng nghệ thuật hình thành tạo nên đời sống nghệ thuật sôi động với các tranh luận học thuật ở nửa cuối TK XX. Thuật ngữ NTCC xuất hiện tạo nên sự phân biệt rõ nét với nghệ thuật hàn lâm trong các học viện, xưởng vẽ, gallerry và bảo tàng. NTCC là một bảo tàng lớn không bị giới hạn bởi các bức tường bao quanh của các kiến trúc, không giới hạn đối tượng phục vụ, không giới hạn thời gian tiếp cận, hưởng thụ (full time). Nghệ thuật này gắn liền và đáp ứng cho xu hướng phát triển của các đô thị hiện đại.

Nếu chúng ta hiểu tính từ công cộng đơn giản là thuộc về mọi người hoặc để phục vụ chung cho mọi người trong xã hội (2) thì NTCC thường được định nghĩa một cách khá phổ biến là nghệ thuật trưng bày ở các không gian, địa điểm công cộng dành cho tất cả công chúng, để mọi người có thể tiếp cận và thưởng thức miễn phí. Sau đây là một số cách định nghĩa về NTCC được chúng tôi tham khảo:

NTCC biểu thị bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào được thiết kế và đặt trong một không gian có thể tiếp cận với công chúng, từ quảng trường công cộng đến một bức tường bên trong tòa nhà luôn rộng mở đón chào công chúng.

NTCC được hiểu giản dị là những loại hình nghệ thuật trưng bày ở những nơi công cộng, dành cho tất thảy công chúng (3).

NTCC là một cụm từ có nghĩa khái quát chung để nói về những tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo bằng mọi chất liệu, trưng bày tạm thời hoặc lâu dài ở nơi công cộng (4).

Phần lớn những định nghĩa giải thích NTCC từ khả năng tiếp cận vật lý của nó, đề cập tới không gian đặc trưng mà nó xuất hiện, cơ bản được hiểu là không gian ngoài trời.

Từ định nghĩa, có thể thấy NTCC bao hàm nhiều lĩnh vực hoạt động, nhiều dạng thức thể hiện. Đó là những công trình điêu khắc được hình thành từ bất kỳ vật liệu nào có độ bền cần thiết, có kích thước lớn, không thể trưng bày trong nhà, bảo tàng hay gallery… như tượng đài, điêu khắc cát, điêu khắc băng… Đó là nghệ thuật Mosaics: nghệ thuật ghép mảnh gốm, sứ, kính màu tại các kiến trúc công cộng như nhà thờ, đền quán… Đó là nghệ thuật nước như đài phun nước, nhạc nước. Đó là đồ thủ công mỹ nghệ làm từ đất nung, dây, vải, gỗ, kim loại, nhựa, kính màu đặt tại các không gian công cộng. Đó là các sản phẩm sử dụng công nghệ tạo hiệu ứng thị giác như video đa phương tiện và các tác phẩm do máy tính tạo ra (cắt dán, sao chụp ảnh), nghệ thuật ánh sáng. Đó là nghệ thuật mặt đất Landart và tác phẩm môi trường. Đó là nghệ thuật đường phố như tranh tường, graffiti, nghệ thuật sắp đặt. Đó là những di tích, kiến trúc là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng và sẽ còn nhiều dạng thức khác ra đời trong tương lai.

2. Sự phức tạp của khái niệm

Liên quan trực tiếp đến khái niệm NTCC, một khái niệm khác tương đối phức tạp, đóng góp vai trò quan trọng trong việc nhận diện và xác định đặc trưng loại hình NTCC, đó là không gian công cộng.

Các định nghĩa theo kiểu truyền thống thường xác định một tác phẩm nghệ thuật được đặt ở không gian công cộng là NTCC. Tuy nhiên, không gian như thế nào được xác định là không gian công cộng?

Không gian công cộng thường được liên tưởng tới không gian bên ngoài khu vực riêng tư, để phân biệt với không gian thuộc sở hữu của một cá nhân, tổ chức cụ thể. Thông thường các không gian công cộng có thể là một khu vực rộng lớn được quy hoạch cho quảng đại người dân như công viên, quảng trường, trung tâm thương mại, trung tâm giáo dục, y tế, văn hóa, hành chính… Hoặc cũng có thể đơn giản là các không gian chung của một khu vực dân cư nhỏ lẻ như các vỉa hè, bờ hồ, sân chung... Đây được coi là các không gian mở và người dân được tự do tiếp cận.

Với bằng chứng là phần lớn những tác phẩm NTCC trên thế giới và ở Việt Nam đều được đặt ở những nơi công cộng ngoài trời, do vậy, không gian công cộng thường được liên tưởng nhiều hơn tới không gian ngoài trời. Tuy vậy, vẫn có những không gian công cộng không ở ngoài trời, ví dụ như nhà hát, trung tâm mua sắm, siêu thị, nhà vệ sinh công cộng, buồng điện thoại công cộng, thang máy... Do việc xác định không gian công cộng linh hoạt trong cách hiểu nên một định nghĩa về NTCC, đặc biệt việc giải thích cái gì cấu thành nên tính công cộng là rất phức tạp và gây nhiều tranh luận.

Tương tự như khái niệm NTCC, khái niệm không gian công cộng được tạo thành từ việc ghép từ 2 nguyên từ đơn spacepublic. Xuất phát từ ngữ nghĩa công cộng, không gian công cộng thường được hiểu là không gian chung dành cho tất cả mọi người. Chung tức là không thuộc sở hữu của cá nhân.

Mặc dù được xác định là không gian chung, dành cho tất cả mọi đối tượng, phục vụ nhu cầu của nhiều người thuộc nhiều giai tầng, độ tuổi, giới tính nhưng không phải lúc nào và ở đâu không gian công cộng cũng thể hiện đúng chức năng, ý nghĩa được cung cấp bởi tính từ công cộng. Có nhiều không gian công cộng dành để phục vụ chung nhiều người nhưng không phải mọi người được tiêu dùng tự do theo ý muốn mà phải trả tiền phí khi muốn sử dụng. Đó là những không gian công cộng mang tính dịch vụ như nhà vệ sinh công cộng có thu phí, công viên, bảo tàng, rạp hát bán vé vào cửa...

Còn có những không gian công cộng mà ở đó tồn tại sự sở hữu không chính thức, đó là vỉa hè phía trước các ngôi nhà tư nhân trong khu phố cổ. Vỉa hè vốn là nơi dành cho người đi bộ nhưng nó cũng đồng thời được sử dụng làm không gian buôn bán của các hộ kinh doanh mặc dù chẳng ai cấp phép chính thức cho họ. Nói như vậy để thấy rằng, không gian công cộng không phải là một khái niệm quá rõ ràng, có nội hàm ngữ nghĩa thống nhất, ổn định mà nó hoàn toàn phụ thuộc vào sự phát triển và đặc điểm của đời sống công cộng vốn không giống nhau giữa các nền văn hóa, giữa các vùng văn hóa, khu dân cư... đồng thời phụ thuộc vào từng thời điểm khác nhau.

Không gian công cộng không chỉ là một không gian vật lý cụ thể mà trong bối cảnh phát triển của khoa học công nghệ, không gian mạng cũng là một hình thức của không gian công cộng. Trong môi trường không gian ảo, mọi người tham gia tương tác và gây ảnh hưởng tới những người khác dưới dạng ẩn danh. Không gian ảo cung cấp những trải nghiệm mới cho con người trong việc học tập, trao đổi thông tin, truyền thông nghệ thuật, trò chơi giải trí... Không gian mạng còn được gọi là không gian xã hội trong sự phân biệt với không gian tự nhiên hay không gian vật lý/ địa lý.

Như vậy, có thể thấy sự phức tạp của không gian công cộng đôi khi gây khó khăn trong việc xác định khái niệm NTCC. Bên cạnh đó, các vấn đề về tài trợ công cộng, quyền sở hữu, vai trò của công chúng trong sáng tạo và hưởng thụ nghệ thuật, sự tương tác và tạo dựng bản sắc cộng đồng... cũng góp phần làm nên tính phức tạp của khái niệm.

3. Khái niệm NTCC, nhìn từ các dạng thức thực hành ở Việt Nam

Nếu hiểu NTCC đơn giản là những loại hình nghệ thuật trưng bày tạm thời hoặc lâu dài ở nơi công cộng, có thể tiếp cận với công chúng, dành cho tất thảy công chúng, thì ở Việt Nam, từ lâu đã có hình thức NTCC nhưng mang những tên gọi khác nhau.

Tại khu vực Hà Nội, đầu TK XX, khi người Pháp tiến hành quy hoạch tổng thể không gian kiến trúc đô thị Hà Nội thì NTCC đã được tạo dựng trên cơ sở của các kiến trúc, quảng trường, tượng đài, công trình nghệ thuật… của chính quyền thuộc địa. Các công trình kiến trúc thời Pháp thuộc như tòa Viễn Đông Bác cổ, Nhà hát Lớn, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Khách sạn Sofitel Metropole, vườn hoa con cóc, tượng đài Pasteur, cầu Long Biên… trong sự hiểu biết chung của quần chúng nhân dân, là di sản kiến trúc đẹp còn lại của một giai đoạn lịch sử chứ ít khi chúng được nhìn nhận như là những công trình NTCC có giá trị.

Sau những năm tháng chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và giành độc lập năm 1975, những mối quan tâm về NTCC mới bắt đầu nhen nhóm trong các hoạt động thời kỳ kiến thiết đất nước, ban đầu là những công trình mang tính tưởng niệm, ghi nhớ các sự kiện, các nhân vật lịch sử hoặc những người có công với nước. Tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” khu vực hồ Hoàn Kiếm, tượng đài vua Lê, những tượng đài tưởng niệm ở các nghĩa trang tượng đài bắn rơi máy bay Mỹ tại hồ Trúc Bạch. Tuy nhiên số lượng ít, quy mô nhỏ, nội dung chủ yếu mang tính tưởng niệm, các công trình ngoài trời lúc này được gọi chung là tượng đài chứ không gọi là NTCC.

Từ khoảng cuối những năm 1990, hình thức trưng bày tổ hợp các tác phẩm điêu khắc tạo thành không gian vườn tượng đã được triển khai ở một số khu vực công cộng, có thể nhắc đến vườn tượng ở công viên Bách Thảo, vườn tượng ở Bờ Hồ, vườn tượng hai bên bờ sông Hương ở Huế, vườn tượng ở công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc, Quận 9, TP.HCM… Mặc dù có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau của các chuyên gia về chất lượng nghệ thuật của từng tác phẩm, song nhìn chung, hiệu ứng trang trí không gian nổi lên thành hiệu ứng chủ đạo, hướng tới tính trang trí thẩm mỹ cho không gian công cộng ngoài trời.

Tinh thần tưởng niệm chưa hoàn toàn mất đi vì thế, những công trình điêu khắc lớn xuất hiện những năm đầu TK XXI vẫn tiếp tục ra đời với quy mô hoành tráng. Tượng đài Lý Công Uẩn, tượng đài Thánh Gióng, tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng… Tượng đài, nghệ thuật hoành tráng hay điêu khắc ngoài trời là cách gọi mang tính phân ngành của lĩnh vực nghệ thuật tạo hình, trong sự phân biệt với hội họa, đồ họa. Những trạng ngữ ngoài trời, tính từ hoành tráng xác định tính chất công cộng của các tác phẩm này.

Về mặt hình thức, đây là những tác phẩm NTCC bởi hầu hết là các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đặt ngoài trời, được tài trợ từ nguồn ngân sách nhà nước, ngân sách tỉnh hoặc từ sự ủng hộ của các doanh nghiệp và người dân. Chức năng tưởng niệm, ngợi ca một cá nhân hay sự kiện lịch sử là tinh thần chung rất dễ nhận ra.

Năm 2016, trong sự phối hợp giữa các nghệ sĩ của Việt Nam và Hàn Quốc, dự án vẽ tranh tường ở xã Tam Thanh (Quảng Nam) đã được thực hiện, mang đến một diện mạo mới lạ cho một làng ven biển vốn ngày thường người dân vẫn sống lam lũ. Đây là dự án đầu tiên thực hiện được việc đưa nghệ thuật vào không gian sống trực tiếp của người dân, tạo nên sự thích thú đáng kể cho các thành viên của cộng đồng và tạo sự tò mò cho rất nhiều người ở các vùng miền khác. Qua truyền thông, làng Tam Thanh nổi lên như một điểm đến thú vị trong những lựa chọn du lịch biển của nhiều người.

Sau làng bích họa Tam Thanh, một trào lưu vẽ tranh tường nở rộ ở rất nhiều tỉnh thành. Trào lưu này đã tạo nên sự chú ý lớn của xã hội, cho dù chất lượng nghệ thuật có nhiều điều đáng bàn. Sự quan tâm của người dân thể hiện ở việc chủ động tạo ra những bức tranh tường trang trí các không gian công cộng ngay tại địa phương. Quảng Ngãi có hai làng bích họa ở Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn và xã An Bình thuộc Đảo Bé, huyện đảo Lý Sơn. Quảng Bình đã xuất hiện “cung đường bích họa” ở làng chài Cảnh Dương, xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch. Tỉnh Quảng Ninh cũng có hai làng bích họa là xóm họ Đặng, thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn và hai nhà văn hóa ở hai xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thực trên đảo Vĩnh Thực, thành phố Móng Cái. Trên bức tường rào cũ mốc, các họa sĩ không chuyên ở xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An đã vẽ nên con đường bích họa, thay đổi diện mạo nông thôn. Thôn Phong Giang, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Nghệ An, bên cạnh việc xây dựng đường làng ngõ xóm thông thoáng, sạch sẽ, một số con đường với các bức tranh vẽ minh họa Truyện Kiều của Nguyễn Du được coi là điểm nhấn tạo nên vẻ đẹp làng quê gắn với những giá trị lịch sử, văn hóa.

Ở các nơi này, trong suy nghĩ của mỗi người dân, dường như việc trang trí không gian sống bằng các bức tranh tường không đơn thuần chỉ là việc làm đẹp khung cảnh làng quê bằng nghệ thuật bình dân mà còn là một cách để họ thực hiện xây dựng nông thôn mới. Như vậy, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, vẽ tranh tường đã trở thành một trào lưu nở rộ trong suy nghĩ, quan niệm, thực hành của người dân về một không gian sống văn minh, sạch đẹp theo thẩm mỹ bình dân.

Tại Hà Nội, khu tập thể Phụ nữ Trung ương, 39 Pháo Đài Láng, quận Đống Đa vốn cũ kỹ cũng được khoác lên mình những bức bích họa nhiều màu sắc, mang những hình ảnh đặc trưng của Hà Nội xưa. Ngõ 78 phố Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy; ngõ 68 phố Yên Phụ, quận Tây Hồ; bức tường bao quanh trường Phan Đình Phùng, phố Phan Đình Phùng, quận Ba Đình; phố bích họa ở ngõ Ao Dài (phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm). Xa hơn, đường Hủng vào làng Đông Khê, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng; một số làng ở huyện Phú Xuyên cũng bằng tranh vẽ, người dân đã chỉnh trang không gian công cộng, cải thiện mỹ quan làng quê tạo nên vẻ khác biệt.

Dự án bích họa trên phố Phùng Hưng là một trong những khởi sắc đưa nghệ thuật vào không gian sống của Hà Nội khi các tác phẩm khơi dậy ký ức xưa cũ của một thời đã qua nhưng chưa hẳn đã mất đi trong cảm thức của người dân sống ở Hà Nội. Kỹ thuật vẽ 3D thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động tương tác của khán giả với tác phẩm. Dự án bích họa trên phố Phùng Hưng đã tạo ra hiệu ứng xã hội mạnh mẽ khi nó thu hút một lượng lớn người dân tìm đến không gian nghệ thuật để thưởng thức, trải nghiệm và chia sẻ những trải nghiệm rất khác nhau của mỗi người trên không gian mạng. Sự quan tâm, yêu thích, nhiệt tình tương tác của người dân với nghệ thuật không chỉ là mong chờ của những người làm nghệ thuật, đây còn là sự kiện của mỹ thuật, là hoạt động mang tính đại chúng hiếm khi xuất hiện trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình.

Dự án NTCC ở phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm nổi lên là dự án làm nghệ thuật từ rác với mục tiêu tương tác với khu vực vốn tràn ngập rác thải. Dự án này không chỉ tương tác với địa điểm mà còn can thiệp trực tiếp vào việc xóa bỏ điểm nóng về rác ven sông Hồng. Khi lựa chọn chất liệu làm nghệ thuật từ các loại rác thải, nhóm nghệ sĩ muốn người dân thay đổi suy nghĩ về những thứ mà họ vẫn quen vứt ra bãi rác: chai nhựa, sắt, thép, gương, kính, phế thải xây dựng, lồng gà… những thứ được nghệ sĩ sử dụng để xây dựng thành những tác phẩm nghệ thuật trưng bày tại Phúc Tân. Dự án tác động trực tiếp tới chính người dân sinh sống ven bờ sông Hồng khu vực Phúc Tân, làm thay đổi thói quen, suy nghĩ và hành động của người dân.

Nhìn lại chặng đường phát triển NTCC Việt Nam với một số dẫn chứng trên đây, có thể nhận thấy, có sự chuyển biến từ dạng thực hành mang tính tưởng niệm, ngợi ca nhân vật, sự kiện lịch sử, sang dạng thức trang trí, làm đẹp cho không gian, cảnh quan địa điểm và hiện nay có xu hướng can thiệp vào không gian, địa điểm, trực tiếp tác động tới thói quen, lối sống của người dân. Sự xuất hiện ngày càng đa dạng của các vật liệu và phương thức biểu đạt tương ứng với bối cảnh văn hóa đương đại khiến cho định nghĩa về NTCC trở nên phức tạp, cần được định nghĩa và tái định nghĩa dưới các góc độ rộng mở khác nhau từ sự đa dạng của các thực hành nghệ thuật.                                             

_______________________

1. Nguyễn Thị Lan Hương, Nghệ thuật công cộng, nghiên cứu trường hợp đô thị Hà Nội từ 1975 đến nay, Luận án tiến sĩ nghệ thuật, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, 2016, tr.16.

2. Hoàng Phê, Từ điển tiếng Việt, (in lần thứ sáu, có sửa chữa và bổ sung), Nxb Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học, 2014, tr.283.

3. Đào Mai Trang, Nghệ thuật công cộng ở Hà Nội, ba ví dụ điển hình, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 310, 2010, tr.43-47.

4. Cliodhna Shaffrey, What is Public Art? (Nghệ thuật công cộng là gì?), Irish Museum of Modern Art - IMMA, 2015, tr.4.

Tài liệu tham khảo

1. Đặng Bích Ngân (chủ biên), Từ điển Thuật ngữ Mỹ thuật phổ thông, Nxb Giáo dục, 2002.

2. Đào Mai Trang, Về sự tồn tại của các bức phù điêu và tranh tượng quanh Hà Nội, Tạp chí Nghiên cứu Mỹ thuật, số 4, 2010.

3. Đào Mai Trang, Không gian nghệ thuật công cộng đẹp nhất Hà Nội, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 313, 2010, tr.49-53.

4. Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 4, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2004.

5. Nguyễn Như Ý (chủ biên), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1999.

TS VŨ TÚ QUỲNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 551, tháng 11-2023

;